Tìm hiểu về công cụ nuôi dưỡng kênh phân phối: "Trade Marketing"
1 thành phần không thể thiếu trong chuỗi vận hành bán lẻ đa kênh - Omnichannel. Trade Marketing cung cấp giải pháp giúp sản phẩm tiếp cận khách hàng tốt hơn tại các cửa hàng bán lẻ, là trợ thủ đắc lực của mô hình O2O ( Online to offline).
Dù xuất hiện ở Việt Nam muộn hơn marketing và sales (bán hàng), nhưng đến nay, Trade marketing ngày càng được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và đánh giá là một công cụ hữu hiệu để giành phần thắng cho hệ thống phân phối của mình, được xem là một bộ phận trung gian cho phòng sales và phòng marketing của doanh nghiệp. Chính vì vậy, người làm trade marketing phải là người nắm rất rõ kế hoạch của công ty, mà cụ thể là kế hoạch marketing để xúc tiến các hoạt động với người bán hàng phù hợp với kế hoạch chung.
Bên cạnh đó, người làm trade marketing cũng phải lăn xả với Sales để hiểu được, chương trình mà trade marketing có khả năng thực hiện được hay không và thực hiện đến mức độ nào. Vì khi thực hiện tại 10 điểm bán khác hoàn toàn với thực hiện tại 5.000 điểm bán trong cùng một thời điểm. Một sai lầm phổ biến mà nhiều người làm marketing phạm phải: tiến hành mọi việc một cách quá phức tạp, khiến cho người làm Sales khó thực hiện tốt được. Vì vậy, hãy suy nghĩ thật đơn giản khi làm trade marketing.
Tư duy về khu vực mua hàng
Song song với việc thực hiện các chính sách chiết khấu, thưởng theo chỉ tiêu doanh thu cho điểm bán hàng, hiện nay doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc hỗ trợ các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi…- gọi chung là trade marketing.
Đối với phòng sales, hàng không có sẵn tại điểm bán thì không bán được. Còn đối với phòng trade marketing, dù hàng có sẵn tại điểm bán, nhưng không sẵn sàng trưng bày cho khách hàng tiếp cận thì vẫn không bán được. Do vậy, các chương trình trưng bày sản phẩm có thưởng, triển khai các vật phẩm quảng cáo dành cho nhà phân phối hay các đại lý là trách nhiệm của trade marketing.
Hoạt động trade marketing gắn liền với chiến lược phân phối của doanh nghiệp, mỗi chiến lược phân phối khác nhau sẽ quyết định các phương pháp triển khai trade marketing khác nhau.
Khu vực mua hàng (Point Of Purchase – POPs) là nơi mà người mua ra quyết định mua. Trong thương mại truyền thống, POPs nhìn chung là thụ động, hoạt động như một ống dẫn để di chuyển sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Ngày nay, hiểu biết và tác động đến các POPs là rất quan trọng, nhằm làm cho thương hiệu luôn được lựa chọn.
Mục đích của việc tác động đến POPs là để đảm bảo rằng trước khi hoặc tại khi người mua ra quyết định mua hàng, thương hiệu sản phẩm của công ty sẽ được nhắc đến nhiều hơn những đối thủ cạnh tranh.
Nơi diễn ra quyết định mua hàng thường là quầy – kệ chính cố định, đầu kệ, nơi tính tiền, ụ trưng bày… Khu vực mua hàng ảnh hưởng lớn đến sự thành công hay thất bại của các hoạt động marketing.
Chiến thắng ở khu vực mua hàng là chìa khóa thành công của nhãn hàng. Việc đặt sản phẩm ở đúng nơi và đúng vị trí là việc quan trọng hàng đầu để giành lấy những khách hàng trung thành.
Doanh nghiệp có thể giành chiến thắng tại điểm mua hàng bằng cách phát huy tối đa cơ hội để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm. Chẳng hạn, tối đa hóa cơ hội bằng cách đặt đúng sản phẩm, đúng bao bì, mức giá thích hợp tại đúng cửa hiệu, ở đúng tầm nhìn của người mua hàng.
Cuộc đua giành “cứ điểm” và “cắm cờ”
Tại điểm bán hàng, một sản phẩm chỉ có vài giây để thu hút sự chú ý của người mua. Do đó, yếu tố quan trọng hàng đầu trong trưng bày là sản phẩm phải được nhìn thấy dễ dàng. Muốn vậy, trước tiên phải chọn đúng vị trí. Cho dù sản phẩm của doanh nghiệp có bao bì bắt mắt, nhưng nếu để sai vị trí thì cũng không có cơ hội được nhìn thấy.
Vị trí lý tưởng nhất là ngang tầm mắt của người tiêu dùng. Ngoại trừ sản phẩm của một thương hiệu thuộc dạng “sốt” hàng, người mua sẽ không tự tìm kiếm những sản phẩm ở tận trên đỉnh hoặc dưới đáy của quầy hàng.
Vị trí trưng bày tốt tại cửa hiệu được ví như loại “bất động sản đặc biệt” có giá trị lớn. Các doanh nghiệp đang đua tranh để tìm được vị trí đẹp, vị trí “đắc địa” nhằm tiếp cận nhanh nhất khách hàng khi họ bước vào cửa tiệm. Từ việc đặt mua chỗ ở từng cửa hiệu đến việc chi trả cho công tác trưng bày ngày càng được quan tâm, làm cho ngân sách trade marketing ngày càng tăng.
Cuộc đua giành “cứ điểm” tại cửa hiệu và “cắm cờ” (trưng bày sản phẩm) vốn là công việc không được phép mệt mỏi của đội ngũ sales và trade marketing.
Ấn tượng đầu tiên là một lợi thế khi người mua tiếp cận sản phẩm tại điểm bán. Tại điểm bán, doanh nghiệp phải sử dụng các phương tiện trưng bày và nghệ thuật sắp đặt để quảng bá cho sản phẩm hoặc thương hiệu.
Hoạt động này giúp củng cố quyết định của người mua theo hướng có lợi cho nhà bán lẻ, và đóng vai trò rất lớn trong thành công chung của thương hiệu một chương trình tiếp thị và nhà bán lẻ.
Theo Ogilvy Action, một công bố vào tháng 11/2008 cho thấy, trên 6.000 người tiêu dùng tại Mỹ nhận định rằng việc trưng bày bên trong cửa hàng có hiệu quả hơn cả giảm giá.
Trong số 29% người mua hàng một cách ngẫu nhiên, có đến 18% cho biết họ bị ảnh hưởng bởi sự trưng bày trong cửa hàng, 24% bị lôi kéo bởi việc trưng bày ở các dãy kệ bên ngoài, chỉ 17% là bị tác động bởi chính sách khuyến mãi, giảm giá.
Còn trong số 39% người mua hàng có ý định từ trước và quyết định chọn mua tại cửa hiệu, có 31% bị ảnh hưởng bởi việc trưng bày trong cửa hàng, chỉ 28% bị ảnh hưởng bởi khuyến mãi và giảm giá…
Bắt đầu từ thói quen tiêu dùng và Insight trong Trade Marketing
Thói quen của người tiêu dùng (đặc biệt là phụ nữ) là thường quyết định mua hàng mới tại điểm bán (dù trước đó không có nhu cầu). Vậy nên, việc đưa ra các quyết định trưng bày hàng hóa hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng khi họ lựa chọn sản phẩm cần thiết.
Tại Việt Nam, người tiêu dùng thường lựa chọn sản phẩm theo trình tự: nhãn hàng, chủng loại, kích thước bao bì…, do vậy, các sản phẩm cần được trưng bày theo cách mà họ mong muốn.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Ac-Neilson, năm 2008, người Việt Nam vẫn còn thói quen đi chợ mỗi ngày, và chỉ đi siêu thị bình quân 2 lần/tháng. Thời gian mua sắm phổ biến nhất là 8:00-9:00 sáng. 51% người được hỏi cho biết họ dành hơn 30 phút cho mỗi lần mua sắm, 39% người dành từ 30-60 phút và chỉ 9% người sẵn sàng mua sắm hơn 1 giờ.
Bên cạnh đó, việc tiện đường cũng là một yếu tố quan trọng cho người tiêu dùng. Đa số người tiêu dùng đi mua hàng một mình (82%). 59% người được hỏi mua hàng mỗi ngày… Những thông tin này khá quan trọng cho phòng trade marketing khi thiết kế các chương trình trưng bày hay khuyến mãi dành cho người tiêu dùng tại điểm bán.
Để có một chiến dịch Trade Marketing thành công, các Marketer phải tìm được insight của shopper bằng cách tìm hiểu HÀNH VI của họ khi tiếp xúc với kênh này, từ đó có những thay đổi phù hợp để nâng cao doanh số nhãn hàng. Một số ví dụ sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn:
1. Bao bì minh họa nhiều chiếc bánh thường được ưa chuộng hơn bao bì chỉ có một chiếc. (Because shopper are greedy, they want more and more). Chính vì vậy, bao bì của các nhãn hàng luôn được thiết kế để thỏa mãn cảm giác tham lam của khách hàng.
2. Price tag liên quan đến sale và giảm giá thường có màu đỏ trên nền vàng. Bởi màu đỏ là màu nóng, bắt mắt và thu hút sự chú ý. Đây cũng là màu khiến khách hàng gợi nhớ đến khuyến mãi, và trong tiềm thức họ cảm nhận nó là 1 mức giá tốt. Theo nhiều nghiên cứu, khi sử dụng giá màu này sẽ giúp nhãn hàng tăng sale đến 10%.
3. Giảm giá: Trên price tag giảm giá, nên để giá trị thật khách hàng mất đi càng nhỏ càng tốt, bởi con người luôn ghét sự mất mát. Thâm tâm họ không muốn chi tiền cho bất kì thứ gì cả, nhưng nếu để số tiền đã giảm càng to thì họ càng cảm thấy tiếc nuối ở trong lòng.
4. POSM (Point of Purchase Material- vật phẩm quảng cáo) là công cụ hữu ích để truyền tải những điều thương hiệu muốn nói với khách hàng. Câu call-to-action “Em tắm anh yêu” trên POSM của sữa tắm Thebol là ví dụ điển hình về một nhãn hiệu hiểu người mua hàng, biết nói đúng điều cần với họ (talk the right thing to shopper). Câu này bắt nguồn từ 1 insight sâu thẳm của các cô gái, họ tắm để hương thơm không chỉ cho họ, mà còn cho các anh yêu thưởng thức mùi thơm đó.
5. Khuyến mãi: Trong dịp tựu trường, Lifeboy tung ra bộ promotion đồ dùng học tập để tặng kèm sản phẩm, bởi trong thời gian này, các bà mẹ luôn muốn mua những đồ dùng cho con cái họ, nên sẽ bị thu hút bởi hình thức khuyến mãi này và mua Lifeboy.
Chương trình hỗ trợ bán hàng
Với trade marketing, dù là hỗ trợ tung sản phẩm mới hay thực hiện chiến lược bao phủ lần đầu ra thị trường, đều cần đến các chương trình hỗ trợ bán hàng, đặc biệt là các vật dụng quảng cáo cần thiết.
Các vật phẩm bán hàng được xem là “bộ đồ nghề” của sales, là phương tiện trung gian thuyết phục khách hàng quyết định mua sản phẩm. Chính vì vậy, khi thiết kế vật phẩm bán hàng không nên sơ sài, làm cho có, mà phải lấy ấn tượng ban đầu của người tiêu dùng làm trọng để có những thiết kế phù hợp. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, ngân sách ít thì làm ít, nhưng không được đại khái, qua loa…
Thêm một hoạt động không thể thiếu nữa là khuyến mãi cho cửa hiệu, nhằm gia tăng độ bao phủ, giảm lượng hàng tồn kho và ứng phó với đối thủ cạnh tranh.
Dĩ nhiên, việc khuyến mãi đối với kênh phân phối không dễ dàng, đòi hỏi doanh nghiệp phải trả lời hàng loạt câu hỏi, như khuyến mãi vào lúc nào, khuyến mãi cái gì, khuyến mãi như thế nào, khuyến mãi để đạt doanh số bao nhiêu…; làm thế nào để người tiêu dùng nhận biết được chương trình khuyến mãi, yếu tố nào giúp tăng doanh số, lợi nhuận…; sản phẩm nào phù hợp với từng chương trình; chương trình khuyến mãi nào giúp tăng lượng khách hàng trung thành cho sản phẩm, các loại hình khuyến mãi nào cho khách hàng không thích giảm giá…
Thực tế cho thấy, khuyến mãi là công cụ hiệu quả, nhưng đồng thời cũng là con dao hai lưỡi trong kinh doanh. Khuyến mãi có thể kích thích cửa hiệu tăng trưởng doanh số, nhưng cũng có thể làm cho sản phẩm hay giá bán trở nên tồi tệ hơn. Chưa hết, việc khuyến mãi về giá cho các sản phẩm mới (hay dẫn đầu thị trường về doanh số) thường làm cho sản phẩm trở nên rẻ tiền trong mắt khách hàng…
Tóm lại, trade marketing là một chuỗi hoạt động marketing hỗ trợ trực tiếp cho bán hàng diễn ra tại điểm bán. Trade marketing sẽ trở thành một công cụ nuôi dưỡng quá trình phân phối, nếu doanh nghiệp biết cách triển khai hiệu quả.
Xem thêm:
- Muốn đo lường hiệu quả quảng cáo Facebook, cần hiểu rõ 8 chỉ số sau đây
- Omnichannel và sự sống còn của ngành bán lẻ
- 10 lý do doanh nghiệp Việt Nam nên làm marketing trên Facebook
Theo Hà Nguyễn / Admicro